Tháp Bà Ponagar là di tích lịch sử - văn hóa, là công trình tiêu biểu, đặc sắc của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân tộc Chăm, tọa lạc trên đồi Cù Lao, hướng ra biển Đông thuộc phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Tháp Bà được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ XIII dưới vương triều Panduranga thuộc vương quốc cổ Chămpa. Xưa kia, nơi đây là một trong những trung tâm tôn giáo của Vương quốc Chăm Pa, thờ nữ thần Ponagar – Người Mẹ xứ sở của dân tộc Chăm và cũng là Thiên Y Thánh Mẫu của cộng đồng dân cư trong khu vực. Huyền thoại kể về Nữ thần Ponagar – Thiên Y A Na chính là sự giao thoa và tiếp biến giữa văn hóa Chăm và văn hóa Ấn Độ. Bên cạnh đó, đây cũng chính là sự Việt hóa và sự tiếp nhận tín ngưỡng thờ Mẫu trong tâm thức của người Việt mang theo đến vùng đất mới.
Mẫu thần Ponagar của người Chăm cũng như văn hóa Chăm được thể hiện rõ nét thông qua tượng thờ, điêu khắc và kiến trúc nơi đây. Quần thể di tích Tháp Bà có diện tích 17.683,6m2, cách bờ biển khoảng 200m và cao khoảng 20m so với mực nước biển.
Trong khuôn viên với diện tích 17.683,6m2, quần thể di tích được chia thành 3 lớp: lớp dưới cùng bao gồm tháp cổng chính, cổng phụ, tường rào bảo vệ; lớp giữa đối diện với tháp Chính là khu kiến trúc Tiền đình - Mandapa, gồm 22 trụ hình bát giác, có chiều cao khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu, đây là khu vực chuẩn bị hành lễ trước khi vào các tháp hành lễ. Lớp trên cùng gồm 4 tháp: tháp Đông Bắc (thờ nữ thần Ponagar), tháp Nam, tháp Đông Nam và tháp Tây Bắc. Đây được xem là không gian chính để tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội của đồng bào Chăm xưa kia. Toàn bộ quần thể tháp là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc bằng chất liệu gạch nung, là sự kết hợp hài hòa, tinh tế giữa kiến trúc và điêu khắc, thể hiện những giá trị đặc trưng của văn hóa Chămpa.
Hiện nay, đã trải qua nhiều thế kỷ, chịu nhiều sự tàn phá của tự nhiên và chiến tranh, nhưng kiến trúc di tích Tháp Bà còn giữ lại được những công trình tương đối hoàn chỉnh so với các đền tháp Chămpa còn lại trên đất nước Việt Nam.
Với những giá trị đặc sắc về kiến trúc và nghệ thuật, năm 1979, quần thể Tháp bà Ponagar được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật.
Tiền Đình – Mandapa
Khu vực Mandapa có bốn hàng cột lớn xây bằng gạch nung, bao gồm 10 cột lớn phía trong và 12 cột nhỏ hình bát giác ở phía ngoài.
Đi lên hành lễ ở các đền tháp phía trên, các tín đồ phải đi theo các bậc rất dốc. Họ phải đi như bò, tay bám các bậc phía trên để không ngã ra sau và khi xuống phải đi lùi quay lưng xuống bên dưới, cách đi như vậy có thể để thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần được thờ ở trên. Trải qua thời gian, lối đi này đã bị sạt lở, khó đi hơn nên người ta mở đường bên cạnh, men theo sườn đồi lên tháp, đường mới này ít dốc hơn, dễ đi lại với các bậc xây bằng đá chẻ.
Trước đây, Mandapa còn có hai cột nhỏ, thấp hơn nền, ở hai bên bậc lên xuống và thẳng ra cổng cũ. Cổng, Mandapa và tháp Chính ở trên tạo thành trục thẳng đông tây. Khi xây đường đi lên mới, người ta đã xây cổng mới thẳng với đường đi lên đền tháp.
Kiến trúc Mandapa hiện nay có cùng niên đại với niên đại cuối cùng của tháp Chính, khoảng thế kỷ XI - XII.
Một điểm đặc biệt thu hút sự quan tâm của nhiều người đặc điểm xây dựng các đền tháp Chăm và đặc điểm chế tạo những viên gạch để xây các đền tháp. Gạch xây tháp Chăm là gạch loại lớn và được xây dựng hầu như không có chất kết dính.
Khu vực các đền tháp
Khu vực thứ hai ở di tích này là khu vực các đền tháp. Tiếng Chăm gọi là các Kalan, theo tiếng Việt có nghĩa là đền, tháp. Tháp Đông Bắc, ngôi tháp lớn nhất nơi thờ Nữ thần Ponagar được lấy làm tên gọi chung cho cả quần thể di tích và với tín ngưỡng của người Việt gọi là tháp Bà, nơi thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Tháp ở giữa là tháp Nam, nơi thờ thần Cri Cambhu (là một tên gọi khác của thần Shiva) và người Việt gọi là tháp Ông, thờ Thái tử chồng bà Thiên Y A Na. Ngôi tháp nhỏ nhất phía ngoài cùng là tháp Đông Nam, nơi thờ thần Skandha (một người con của thần Shiva), vị thần tượng trưng cho chiến tranh và người Việt gọi là tháp Cố, nơi thờ ông Tiều bà Tiều (cha mẹ nuôi của bà Thiên Y A Na). Phía sau tháp chính là tháp Tây bắc, nơi thờ thần Ganesa (một người con của thần Shiva), vị thần tượng trưng may mắn, hạnh phúc và người Việt gọi là tháp Cô Cậu, thờ công chúa Quý và hoàng tử Trí là hai người con của bà Thiên Y A Na.
Khi những người Việt vào vùng đất này sinh sống, họ đã có công bảo tồn và lưu giữ những công trình kiến trúc này. Từ những ngôi tháp còn hiện hữu ở đây và mang trong mình tâm thức thờ Mẫu, người Việt ở Khánh Hòa xưa đã sáng tạo nên truyền thuyết về Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Truyền thuyết này đã được ông Phan Thanh Giản, một vị quan Thượng thư bộ Lễ dưới triều Nguyễn ghi chép, biên soạn và cho khắc bia dựng vào năm 1856 ở phía sau tháp Chính. Họ đã sáng tạo những điệu múa dâng bông, múa bóng để biểu diễn mỗi dịp lễ hội tháp Bà, từ ngày 20 đến 23 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Vì vậy, người dân sinh sống quanh khu vực đồi Cù Lao được gọi là dân xóm Bóng và cây cầu bắc qua sông Cái cũng được gọi là cầu Xóm Bóng. Từ trên Tháp Bà ngắm nhìn cầu Xóm Bóng và thành phố Nha Trang, với cảnh sắc sông – núi – mây – trời đã tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình và được xem như một biểu tượng đẹp về thành phố Nha Trang ngày nay.
Các tháp Chăm ở đây được xây dựng theo bình đồ hình vuông, tháp với ba phần: đế, thân và mái. Mỗi tháp đều có bốn cửa ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Ba cửa ở ba hướng Tây, Nam và Bắc chỉ là những ô cửa giả. Riêng cửa phía Đông được mở ra và kéo dài như một tiền sảnh. Theo quan niệm Á Đông, hướng Đông là hướng của thần thánh nên họ mở cửa hướng Đông để đón thần thánh vào tháp.
Các công trình kiến trúc ở đây đã trải qua hàng thế kỷ và chịu nhiều sự bào mòn của thiên nhiên, của con người, của chiến tranh. Từ đầu thế kỷ XX đến nay, Tháp Bà Ponagar đã trải qua một số lần trùng tu tôn tạo. Lần thứ nhất người Pháp trùng tu vào những năm 30 của thế kỷ XX. Dấu ấn rõ nhất của đợt trùng tu này là những chỗ trát xi măng trên thân các tháp. Sau đó, những năm 90 của thế kỷ XX, chúng ta đã tiếp tục trùng tu để bảo tồn những ngôi tháp cổ. Đó là những viên gạch được chồng khít lên nhau, trơn nhẵn và bám rêu. Chúng ta chưa biết cách chế tạo những viên gạch Chăm xốp, nhẹ, mịn và chưa biết chất kết dính giữa các viên gạch như thế nào. Các viên gạch được tu bổ nặng, ngấm nước đã tạo nên môi trường thuận lợi cho những cây rêu xanh nhỏ sinh sống và phát triển.
Tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng đặc trưng của cư dân Đông Nam Á cổ. Những người Chăm pa đã thể hiện tín ngưỡng của mình qua tín ngưỡng thờ bộ sinh thưc khí Linga và Yoni (một trong những biểu tượng thờ thần Shiva. Trong Ấn độ giáo có ba vị thần chủ đạo: thần Brahma là vị thần tượng trung cho sự sáng tạo, thần Visnu là vị thần tượng trưng sự phát triển, thần Shiva là vị thần tượng trưng sự hủy diệt. Họ thờ thần Shiva không phải để thờ sự huỷ diệt, mà trong quan niệm Á Đông thế giới vận động theo vòng tròn, có sự luân hồi nên họ thờ thần Shiva với quan niệm có sự hủy diệt mới có sự ra đời, tồn tại và phát triển của cái mới). Bộ sinh thực khí tượng trưng cho bộ phận sinh dục của nam và nữ, Linga tương trưng cho sinh thực khí của đàn ông và Yoni tượng trưng sinh thực khí của phụ nữ. Họ thờ Linga và Yoni với ước muốn cầu cho con người và sinh vật luôn luôn sinh sôi, nảy nở và phát triển để cuộc sống luôn no đủ, hạnh phúc. Vì vậy, trong các đền tháp ở đây đều thờ bộ sinh thực khí Linga – Yoni và bản thân mỗi công trình kiến trúc tháp ở đây là một bộ sinh thực khí, toàn bộ tháp tượng trưng Yoni, trụ đá trên đỉnh tượng trưng Linga.
Tháp Đông Bắc
Tháp Chính – tháp lớn nhất trong số các tháp Chăm còn tồn tại ở Việt Nam. Tháp được xây dựng bằng gạch nung, bình đồ hình vuông, cao khoảng 23m. Trên thân tháp được trang trí bằng 5 hàng trụ áp tường chạy dọc. Bốn góc mái có bốn tháp nhỏ với 3 tầng mái thu nhỏ dần về phía trên theo một tỷ lệ thích hợp và tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của của tầng dưới. Trên hệ mái được trang trí những con linh vật như: voi, ngỗng... tiêu biểu cho quan niệm tôn giáo hết sức sinh động trong các tư thế tạo hình và các góc tháp là hình ảnh các vũ nữ Ápsara đang múa quanh tháp.
Trên vòm cửa là tấm phù điêu bằng đá hình lá đề thể hiện âm tính của thần Siva 4 tay đang múa. Phù điêu có niên đại thế kỷ XI và là một trong những tấm phù điêu đẹp nhất của văn hóa Chăm pa còn được lưu giữ ở Việt Nam.
Trên những trụ đá ở cửa ra vào được khắc các bài văn bằng chữ Sancrit và chữ Chăm cổ có nội dung ca ngợi nữ thần Ponagar. Niên đại của tháp chính được xây dựng lần đầu tiên vào các năm 813 – 817 và trải qua những biến cố của lịch sử, tháp đã được xây dựng lại vào thế kỷ XI – XII.
Bên trong tháp là điện thờ hình vuông, khá hẹp và điều đặc biệt nhất là chính giữa đặt tượng thờ Nữ thần Ponagar - ngẫu tượng thờ là phần hồn của di tích. Đây cũng là tượng của Uma (vợ - biểu hiện âm tính của thần Shiva). Ảnh hưởng tín ngưỡng của người Việt nên bức tương đã được mặc xiêm y và mỗi năm đến ngày 20 tháng 3, tháng 7 và tháng 12 âm lịch họ lại thay xiêm y cho Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
Hai bên là ban thờ Cô và Cậu - ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Trên mỗi ô cửa giả và hai bên cửa ra vào có những có những ô cửa nhỏ hình tam giác được khoét sâu vào tường. Đây là nơi đặt đèn dầu của đền thờ, bởi ngày xưa người Chăm chỉ thắp bằng đèn, trầm và cúng bằng nước... Do ảnh hưởng văn hóa tín ngưỡng của người Việt, nhang khói đã làm đen các bức tường của di tích. Vì vậy mỗi quý khách nếu thắp hương (nhang) chỉ nên thắp 1 cây để bảo vệ di tích.
Tháp Nam
Tháp cao khoảng 18m, có dáng hình củ hành và có quy mô lớn thứ hai trong toàn bộ tổng thể kiến trúc ở khu đền tháp Ponagar. Đây là nơi thờ thần Cri Cambhu – một tên gọi khác của thần Shiva với biểu tượng lưỡng tính của thần là bộ linga-yoni đặt trang trọng trên bệ ở trung tâm không gian thờ tự. Theo tín ngưỡng của người Việt gọi đây là tháp Ông, thờ Thái tử, chồng bà Thiên Y A Na.
Ngôi tháp có bộ mái tương đối lạ trong quần thể kiến trúc tháp Bà. Phần đế và thân của tháp vẫn được xây theo mô típ tháp Chăm truyền thống song phần mái được thu gọn lại thành một tầng chóp, kéo dài lên phía trên, có hình một “củ hành tây”. Tháp có niên đại thế kỷ XIII.
Tháp Đông Nam
Đây là ngôi tháp có quy mô nhỏ nhất, giống như một ngôi đền thờ. Tháp xây đơn giản, cao khoảng 7,1m và hình dáng bên ngoài đã bị hư hại nhiều. Điều khác biệt ở đây là trông dáng dấp hiện nay thì thân tháp ngay từ phần đế đã xây giật dần vào trong rồi lại loe ra khi tiếp xúc với phần mái. Mái xây hình yên ngựa (hình thuyền), hình dáng mái nhà hình thuyền quen thuộc của những cư dân Đông Nam Á hải đảo. Đây có thể là kiến trúc phụ trong quần thể kiến trúc này và thuộc loại muộn, khoảng thế kỷ XIII.Tháp thờ thần Sandhaka (Skandha) – con thần Shiva là vị thần tượng trưng cho chiến tranh. Theo tín ngưỡng của người dân địa phương gọi đây là tháp Cố - thờ ông Tiều và bà Tiều là cha mẹ nuôi của Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Trong không gian thờ tự cũng đặt bộ Linga - Yoni.
Tháp Tây Bắc
Tháp cao 9m, là ngôi tháp duy nhất còn khá nguyên vẹn về kiến trúc và trang trí. Trên mỗi ô cửa giả đều có hoa văn trang trí hình các linh vật, được chạm trổ tinh xảo trên nền gacgh nung xây tháp. Trên ô cửa giả phía nam là hình ảnh chim thần Garuda, ô cửa giả phía bắc là hình ảnh đầu con Sư Tử, ô cửa giả phía tây là hình tượng nữ thần cưỡi voi. Tháp chỉ có một tầng và tầng mái cong mô phỏng hình chiếc thuyền, đầu hồi trang trí các mô típ lá đề mềm mại cong nhọn, uốn vào trong, phô ra hai trán nhà có chạm khắc một vị thần ngồi dưới tán của các đầu rắn Nagar. Đây là tháp thờ thần Ganesha – vị thần biểu tượng của may mắn, trí tuệ và hạnh phúc.
Theo bia kí và khảo cổ học, tháp có niên đại xây dựng năm 813 song đã được trùng tu nhiều lần, nên niên đại cuối cùng từ thế kỷ XIII – XIV.
Phòng trưng bày
Đối với người Chăm, tháp Ponagar là đền thờ người Mẹ đáng kính của dân tộc. Vì vậy giữa căn phòng trưng bày là mô phỏng bức tượng Nữ thần Ponagar ở trong tháp Chính. Toàn bộ pho tượng được đặt trên một bệ sen, có tấm tựa đằng sau và được chạm khắc tinh xảo cả hai mặt. Tượng thể hiện một người phụ nữ ngực để trần, có mười tay, trong đó có hai bàn tay chính, một bàn tay ngửa ra mang ý nghĩa ban phát và một bàn tay giơ lên mang ý ngĩa trấn an. Điều khiến cho pho tượng trở nên nổi tiếng không chỉ là vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc Chăm pa mà là vẻ đẹp đầy chất nhân văn được ẩn chứa trong đó. Vẫn là nữ thần theo Ấn độ giáo với những chức năng và sự màu nhiệm thần thánh, pho tượng là hình ảnh của người mẹ được thể hiện trọn vẹn qua bộ ngực căng đầy sữa và trên bụng có nhiều nếp nhăn thể hiện đã qua nhiều lần sinh nở. Theo bia kí, tượng được làm năm 965. Nữ thần còn có tám tay phụ, mỗi tay đều cầm các vật đặc trưng của thần Shiva. Cụ thể các vật biểu trưng, bên phải (từ dưới lên): giáo, mũi tên, chiếc vòng marcra, quyền trượng; bên trái: chiếc cung, cây búa gõ voi, chuỗi vòng, roi. Mỗi tay thể hiện một tư thế nhưng tất cả bàn tay đều hướng lên trên và cánh tay thu gọn dần như hình búp hoa hé nở, tạo sự hài hòa, cân xứng với đài sen bên dưới và tấm lá tựa ở sau.
Tuy nhiên, xét về điêu khắc và nhân chủng, bức ảnh chụp nguyên gốc tượng Nữ thần sắc sảo và tinh tế hơn.
Hai trong số 14 sắc phong lưu giữ tại Tháp Bà do các vua triều Nguyễn ban cho Thiên Y Thánh Mẫu với tên gọi Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi và Thanh Linh Thuần Đức Linh thần. Bà được phong là Thượng đẳng thần. Đây là sắc phong Minh Mệnh năm thứ 3 (1922) và Khải Định năm thứ 9 (1924).
Từ đó đến nay, di tích luôn được quan tâm bảo tồn và phát triển, công tác trùng tu bảo quản luôn được thực hiện và đây trở thành trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, nhất là mỗi dịp “Tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ”. Phòng trưng bày đã giới thiệu một số hình ảnh đó đến các quý khách tham quan di tích. Đó là hình ảnh đối sánh về Tháp Bà xưa và nay, là điệu múa Bóng trong lễ hội, là hình ảnh tượng các linh vật trên tháp chính...
Nhìn vào tổng thể cũng như từng kiến trúc ở khu di tích Tháp Bà Ponagar, chúng ta sẽ thấy tính đa dạng và sự hấp dẫn của mỗi công trình kiến trúc. Quy mô bề thế cao lớn của tháp Chính, sự thanh thoát của tháp Nam, chất duyên dáng trữ tình của tháp Tây Bắc và cái mộc mạc trầm tĩnh của tháp Đông Nam. Khu đền tháp được đặt trên ngọn đồi san hô rợp cây xanh tỏa bóng mát, tất cả tạo nên một không gian riêng mà không một di tích Chăm pa nào ở nước ta có được.
Bởi vậy, khu di tích Tháp bà ở Nha Trang chính là điểm hội tụ các giá trị truyền thống của qúa trình giao lưu Việt – Chăm trong lịch sử, là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, góp phần làm nên các yếu tố cố kết cộng đồng của các dân tộc Việt Nam hôm nay và điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách khi đến Nha Trang – Khánh Hòa.