Đình Vạn Thạnh

Đình Vạn Thạnh, tọa lạc tại số 94 đường Sinh Trung, khóm Vạn Lợi, phường Vạn Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Đình tọa lạc dưới chân núi Sinh Trung, mặt sau đình tựa núi, mặt trước hướng ra không gian rộng, đình quay theo hướng đông nam, bên trái có tảng đá lớn được bao phủ bởi tán cây si rộng, cùng với hệ mái của đình có Cổ lầu tạo cho di tích nét cổ kính. Ngôi đình nổi bật với các mảng đắp phù điêu tinh xảo, cầu kỳ.

Qua khảo cứu và thông qua lời kể nhân chứng của các bô lão trong làng thì đình Vạn Thạnh không rõ xây dựng từ năm nào. Nhưng thông qua sắc phong sớm nhất của đình là Tự Đức tam niên (1850), thì đình có thể được khởi dựng vào trước năm 1850.

Hiện nay, đình còn lưu giữ 12 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng:

– Sắc Tự Đức năm thứ 3 (1850) phong cho Bạch Mã;

– Sắc Tự Đức năm thứ 5 (1852) phong cho Bản Cảnh Thành Hoàng;

– Sắc Tự Đức năm thứ 5 (1852) phong cho Thiên Y A Na;

– Sắc Tự Đức năm thứ 33 (1880) phong cho Thiên Y A Na;

– Sắc Tự Đức năm thứ 33 (1880) phong cho Bạch Mã;

– Sắc Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) phong cho Thiên Y A Na;

– Sắc Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) phong cho Bản Cảnh Thành Hoàng;

– Sắc Duy Tân năm thứ 3 (1909) phong cho Thiên Y A Na;

– Sắc Duy Tân năm thứ 3 (1909) phong cho Bạch Mã và Thành Hoàng;

– Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Thành Hoàng;

– Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Thiên Y A Na;

– Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Bạch Mã.

Từ ngoài nhìn vào di tích có các hạng mục công trình sau: Nghi môn và tường bao; Sân đình xây bằng gạch thẻ mặt láng xi măng; Đại đình: Kết cấu tường bao xây bằng đá bọt (một dạng giống đá ong) kết hợp gạch, vôi vữa xi măng, khung bên trong bằng gỗ, vì nóc có kết cấu vì kèo. Đại đình có kết cấu kiểu chữ Nhị (二), gồm hai phần Tiền tế và Chính điện, đầu mái (giọt gianh) Tiền tế và Chính điện được kết nối với nhau bằng máng chảy; nhưng nhìn tổng thể của di tích với hai ngôi miếu ở hai bên (bên phải là miếu Thiên Y A Na, bên trái là miếu Liệt sĩ) thì đại đình có kết cấu kiểu chữ Đinh (丁). Nhà thờ Tiền hiền, Hậu hiền, nhà xây kiểu tường hồi bít đốc, nhà có hai phần, phần trước không xây tường bao, dùng làm nơi hội họp, phần phía trong ngăn đôi, bên phải làm nơi ở của từ đình (người trông coi), bên trái làm nơi thờ Tiền hiền, Hậu hiền; Miếu Cô được xây phía sau đình, miếu xây nhỏ kiểu am, bên trong bài trí đơn giản, đặt các đồ thờ cúng gồm chân đèn, lư hương, đĩa bồng bằng gốm.

Lễ hội của Đình Vạn Thạnh được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 Âm lịch hàng năm.

Ngày 24/03/2006, Đình Vạn Thạnh được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Chia sẻ:

Di tích khác

Nhà thờ Đá Nha Trang

Nhà thờ Đá Nha Trang

Nằm ở khu vực trung tâm thành phố Nha Trang, trên một đồi cao, nhà thờ Chánh tòa Nha Trang khởi công xây dựng vào ngày 03 tháng 9 năm 1928. Xưa kia, đây là vùng đất hoang sơ, để xây dựng công trình này, người ta đã cho nổ tới 500 quả mìn, san bằng ngọn đồi, để có diện tích 4.500 m2, sau đó mở đường để vận chuyển vật liệu lên khu vực xây dựng. Tháng 12 năm 1941, toàn bộ các hạng mục công trình đã được hoàn tất, cả hai con đường dẫn lên nhà thờ, một ở phía Bắc, một đi vòng theo phía Nam.